LOẠI ĐẾ (LOẠI ĐINH)
Khái niệm về LOẠI ĐẾ nghe rất dễ hiểu và tưởng chừng như ai cũng biết phải không? Nhưng chờ chút, hãy đọc thử phần tôi viết sau đây xem các ông đã biết hết thông tin về các loại đế chưa nhé! Chắc là sẽ có một vài bất ngờ đấy.
Như các ông đã biết, bóng đá là một môn thể thao có nhiều biến thể, phù hợp với từng điều kiện về con người cũng như vật chất khác nhau. Những biến thể đó chính là sự thay đổi về thể thức cũng như mặt sân thi đấu. Các hãng giày cũng vì thế mà phát triển các loại đế giày khác nhau, phù hợp với từng loại mặt sân khác nhau. Dưới đây là các loại đế giày phổ biến (nói là phổ biến cho an toàn chứ ngoài ra tôi cũng chẳng biết còn loại nào khác) được sản xuất tại thời điểm hiện tại:
FG (Firm Ground): đinh giày được làm bằng nhựa hoặc hợp chất carbon, được sử dụng cho sân cỏ tự nhiên trong điều kiện khô hoặc ít ẩm (mùa hè ở châu Âu);
SG (Soft Ground): có kết cấu gần giống với đế FG, chỉ khác là có 6 vị trí được thay thế bằng đinh kim loại, có thể tháo lắp được. Đế SG được sử dụng cho sân cỏ tự nhiên trong điều kiện ẩm ướt (mùa đông ở châu Âu). Kèm với đế SG thì hãng Nike có phát triển 1 công nghệ có tên là Anti-Clog. Đây là công nghệ giúp cho cỏ và đất ẩm không bị bám vào đế giày, ảnh hưởng đến bước chạy của cầu thủ;
AG (Artificial Grass, nhớ là Grass chứ không phải Ground nhé! Chỗ này rất nhiều ông hay nhầm, kể cả mấy web giày lớn): đế giày được thiết kế cho sân cỏ nhân tạo với lớp đệm bằng cao su. Lưu ý, chỉ nên sử dụng đinh AG ở những sân có mặt cỏ cao để tránh ảnh hưởng đến khớp gối. Đinh AG phù hợp với sân lớn hơn là các sân nhỏ;
TF (Turf): loại đế đinh dăm làm bằng cao su. Đế TF vốn được sản xuất để phục vụ cho sân cỏ nhân tạo thế hệ cũ, có lớp đệm bằng cát và đất. Hiện tại đinh TF được sử dụng phổ biến trên các sân cỏ nhân tạo thế hệ mới với điều kiện mặt cỏ thấp, ở thể thức 5 và 7 người;
IC (Indoor Court): đây là loại giày đế bằng, không có đinh, được sử dụng cho sân futsal hoặc các thể thức street football trên mặt sân bê tông hoặc cao su;
MG (Multi-Ground): loại đinh giày mới được phát triển trong thời gian gần đây. Theo quảng cáo của các hãng giày, nó có thể được sử dụng trên cả mặt cỏ tự nhiên và nhân tạo. Tuy vậy, tôi không có niềm tin nhiều vào mấy thứ đồ "lai căng" thế này. Chất lượng chắc chắn không thể bằng hàng chuyên dụng.
HG (Hard Ground): đế giày được phát triển riêng cho thị trường Nhật Bản, nơi có rất nhiều sân tập có mặt cỏ rất thấp (gần như không có cỏ), nhiều cát và sỏi. Đế HG giống như một loại đế trung gian giữa 2 loại đế FG và AG.
PHỐI MÀU
Khái niệm cuối cùng mà tôi muốn nói đến chính là PHỐI MÀU. Hiểu đơn giản là 2 đôi giày có mọi chi tiết giống hệt nhau, chỉ khác nhau về màu sắc, thì thuộc 2 bộ sưu tập khác nhau. Hay nói cách khác, chúng là 2 phối màu khác nhau.
Như tôi đã giải thích ở các bài trước, mỗi phiên bản của một dòng giày, ở thời điểm hiện tại, thường tồn tại trong khoảng 1 năm. Trong 1 năm vòng đời của mình, với chu kỳ từ 1 đến 2 tháng, các phiên bản này sẽ được nhà sản xuất khoác lên một bộ cánh mới. Đây là một cách đáp ứng sở thích của nhiều người, giúp các hãng bán được nhiều giày hơn. Ngoài ra, việc thay đổi màu sắc cũng giúp cho các cầu thủ cảm thấy mới mẻ mỗi khi vào sân thi đấu.
Mỗi lần như vậy, các hãng thường chọn một chủ đề để thay đổi màu sắc cho toàn bộ các dòng giày của mình và tìm cho nó một cái tên đẹp đẽ. Như vậy, một bộ sưu tập mới được ra mắt, hào nhoáng về cả ngoại hình và câu chuyện đằng sau nó, như những lần tôi đã viết cho các ông xem đấy...
Bên cạnh các phối màu chính (bộ sưu tập chính), các hãng thỉnh thoảng sẽ giới thiệu các phối màu đặc biệt, dành cho 1 cầu thủ hoặc 1 sự kiện nào đó. Các phối màu này thường có thêm chữ SE trên tên giày. Chữ SE này có nghĩa là Special Edition (phiên bản đặc biệt) hoặc Signature Edition (phiên bản chữ ký).
Nguồn: SOI GIÀY CẦU THỦ